Tuyển Sinh Vào Nus (Kỳ 1: Hồ Sơ & Kỳ Thi)
Note: Đừng quên tham gia Hội săn học bổng Singapore trên Scholarship Planet
Trường đại học National University of Singapore (NUS) đang là một trường nổi tiếng ở khu vực châu Á cũng như thế giới, đồng thời có vị trí đang tăng dần trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới (mới đây NUS lên vị trí thứ 1 ở châu Á và thứ 24 thế giới).
I
- Vì kỳ thi University Entrance Exam và việc đăng ký vào NUS diễn ra vào kỳ 2 của lớp 12 ở Việt Nam - trùng với việc ôn thi đại học nên bạn cần có khả năng phân bố thời gian tốt để có thể ôn thi đại học VN tốt và ôn thi NUS. Khuyến khích những bạn được miễn thi đại học (ví dụ như những bạn có giải từ trên giải 3 trong kỳ thi Quốc Gia) tham gia đăng ký vì lý do trên.
- Trong quá trình học cần thiết hơn hết ở bạn là khả năng hiểu được bài học một cách đúng nghĩa, không khuyến khích học vẹt, không quá cần thiết học thuộc lòng. Không quá chú trọng chữ viết hay cách trình bày (chỉ cần đủ sáng sủa dễ hiểu là có thể chấp nhận được) nên những bạn bị trừ điểm nhiều vì trình bày không cần quá lo lắng.
- Khả năng tính toán một cách chính xác và cẩn thận sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn.
- Nên học một số ứng dụng của máy tính cầm tay và biết sử dụng thành thạo dụng cụ này
- Quan trọng hơn hết là bạn cần có quyết tâm không chùn bước trước bất cứ khó khăn nào, đồng thời không nên ngại ngần tìm đến sự trợ giúp của bạn cùng học.
- Việc học ôn của bạn hầu hết là để phục vụ cho việc thi University Entrance Exam. (Thi đầu vào đai học) Hai môn thi bắt buộc là Toán và Tiếng Anh. Tùy vào ngành học của bạn mà bạn sẽ thi những môn thứ 3 (có trường hợp là thứ 4) khác nhau (ví dụ như ngành Computer Science sẽ thi Toán, Anh, Lý; ngành Chemical Science sẽ thi Toán, Anh, Hóa).
- Toán sẽ theo sát với chương trình A levels và tập trung vào những phần như xác suất, tổ hợp, ứng dụng nhiều hơn chương trình của Việt Nam.
- Tiếng Anh tập trung vào hai phần Đọc và Viết (không thi nghe, nói). Phần đọc không quá khó nhưng phần viết nên được đầu tư nếu bạn không thuộc chuyên Tiếng Anh.
- Lý và Hóa cũng theo sát chương trình A levels, tuy vậy có một vài kiến thức mà chương trình ở Việt Nam không có.
- Theo ý kiến cá nhân của mình thì bạn có thể tham gia theo học những trung tâm luyện thi vào trường để được giảng dạy bài bản về cách thi cũng như có thông tin về những sách cần cho việc thi, đồng thời có cơ hội tiếp xúc và nhận được sự giúp đỡ của những bạn cùng thi. Thực tế thì rất nhiều các sĩ tử NUS ở Việt Nam chọn việc học ở trung tâm thay vì tự học.
- Nên có điểm thi IELTS, SAT hoặc TOEFL cao trước khi thi. Không những việc này giúp tăng khả năng được nhận thi của bạn mà còn giúp bạn miễn kỳ thi trình độ Tiếng Anh của NUS sau khi được nhận. Chú trọng điểm đọc và viết trong những kỳ thi trên.
- Bạn nên có thời gian chăm chút cho bảng điểm của mình và nên tạo dựng được một hình ảnh tốt về sự tăng trưởng và toàn diện trong điểm số của bạn. NUS không quá chú trọng các hoạt động ngoại khóa, tuy vậy bạn vẫn nên có 3 đến 5 hoạt động đáng nói đến trong hồ sơ của mình.
Đây là vòng đầu tiên trong việc xét tuyển tân sinh viên của NUS. Bạn sẽ cần phải làm một đơn đăng ký trên mạng và gửi đến cho văn phòng xét tuyển của NUS. Hồ sơ sẽ có trên mạng vào khoảng tháng 11, 12 mỗi năm.
Chi tiết về cách đăng ký từng phần một trong đơn đăng ký online có thể được tìm thấy ở trên trang web của Hợp điểm hoặc được phát trong những hội thảo du học về NUS.
Bạn sẽ được chọn 5 ngành học với nguyện vọng từ 1 đến 5. Nếu không đủ điểm đỗ nguyện vọng 1 thì kết quả của bạn sẽ được chuyển tới áp dụng cho nguyện vọng 2,...NUS cam đoan rằng điểm bạn sẽ được giữ nguyên qua các nguyện vọng.
Một phần khá quan trọng của đơn đăng ký này là một bài luận cá nhân. Bài luận không được quá dài (khoảng 1000 chữ - không phải là từ). Theo tôi thì đây là một yêu cầu khá khó nếu bạn muốn tạo ấn tượng mạnh với giám khảo và đồng thời nêu những thế mạnh của mình (như đã nói ở trên). Vậy nên bạn nên viết mạch lạc, súc tích, không nên sử dụng các biện pháp tu từ dài dòng đồng thời có thể lên mạng tìm từ khóa "letter counter" để sử dụng cô ng cụ đếm chữ trong bài của các trang mạng, chúng sẽ giúp bạn căn từ cho bài luận tốt hơn.
Cũng như hồ sơ thi đại học, bạn nên kiểm tra lại một cách kỹ lưỡng hồ sơ mạng này sau khi làm xong để tránh các sai sót đáng tiếc.
Kết quả sẽ được báo qua email cho bạn vào khoảng tháng 2. Nếu qua vòng này thì bạn sẽ được tham gia kỳ thi UNIVERSITY ENTRANCE EXAM.
- Đây là kì thi tương đương với thi đại học ở Việt Nam của trường NUS. Thời gian và địa điểm thi sẽ được báo với bạn qua email và sẽ khác qua từng năm, nhưng thường thì vào khoảng giữa tháng 2 đến đầu tháng 3
- Một vài nét về đề thi:
+ Thi Lý và Hóa sẽ thi trắc nghiệm, 60 câu. Thường sẽ có 5 đáp án (A,B,C,D,E). Có một số câu hỏi sẽ hỏi tình huống (cần suy luận, không cần tính toán) nhưng hầu hết sẽ hỏi tính toán. Một số câu hỏi sẽ hỏi lừa, cần tỉnh táo và đọc thật kỹ đề bài. Nếu hiểu được đề bài thì bạn sẽ thấy phần tính toán của bài thi khá đơn giản và có thể thực hiện dễ dàng trên máy tính. Nên làm chậm, chắc ăn, không cần quá nhanh, không nên đoán mò, nếu có thời gianhãy xem lại thật kỹ. Không nên chủ quan trước bất kỳ một câu hỏi nào của đề thi này.
+ Thi toán sẽ có 20 câu trắc nghiệm và 3 phần I, II và III tự luận: phần I sẽ là toán, phần II là toán kết hợp với lý, phần III sẽ là xác suất tổ hợp. Mỗi phần có 5 câu. Bạn chỉ cần làm tổng cộng 4 câu trong cả 3 phần là được, tuy vậy không được làm quá 3 câu của mỗi phần (ví dụ như 2 câu phần I, 2 câu phần II là bạn đã đạt tiêu chuẩn của đề thi, nhưng 4 câu phần I sẽ không được chấp nhận). Phần trắc nghiệm bạn sẽ khó có thể đoán mò được vì ; câu E của mỗi phần sẽ là "không đáp án nào đúng". Tuy vậy vẫn có thể sử dụng những cách làm nhanh ví dụ như phát hiện sự khác nhau trong những đáp án và từ đó loại dần những kết quả khác đi. Nên làm như vậy nếu có thể để bạn có nhiều thời gian trong phần tự luận.
Trong phần tự luận nên lợi dụng phần I nhiều nhất có thể vì hầu hết những ai thi đại học Việt nam đều sẽ rất quen thuộc với những bài trong đó. Tuy vậy nếu có thể hãy làm theo dạng 2-1-1, nhờ vậy bạn có thể sử dụng được phần I đồng thời cho thấy sự tinh thông trong cả phần II và III. Tỉ lệ đỗ của những người làm theo dạng này thường cao hơn. Làm nhiều hơn 4 bài không giúp bài làm của bạn có thêm điểm, vậy nên việc này hết sức khôngnên. Phần trình bày khôn g bị quá đòi hỏi, tiêu chuẩn chỉ là "hiểu được là chấp nhận được", tuy vậy viết số phải rõ ràng và bạn nên sửa nếu bạn có tật viết số này giống số khác. Nói chung quan trọng hết là bạn phải cẩn thận với kết quả của mình, nên tính và kiểm tra lại bằng máy tính.
- Thời gian báo đỗ của bạn sẽ khác nhau qua từng khoa, vậy nên nếu nghe tin một bạn khác khoa được nhận vào học mà mình chưa có tin tức gì thì bạn cũng chưa cần phải lo lắng. Tuy vậy NUS sẽ không báo cho bạn nếu bạn không được nhận, nên việc liên lạc với những bạn chọn cùng khoa trong thời gian này khá quan trọng với bạn. Thường thì thời gian nhận kết quả sẽ khoảng tháng 4 đến hết tháng 5.
Tuyển sinh vào NUS (Kỳ 2: Phỏng vấn ngành Industrial Design)-Updated May 2014
Author: Nguyễn Trọng Hiếu, Chuyên Ngoại Ngữ '14
Nguồn: Study in Singapore 101 - Cẩm nang du học Singapore